Hè là mùa Vân Nam là một trong những địa phương có thế mạnh du lịch ở Trung Quốc (Ảnh: Trip).
Thực hư vụ việc đang được nhóm phóng viên của tờ Sixth Tone điều tra.
Từ lâu, Vân Nam hấp dẫn bởi nền văn hóa và phong cảnh đa dạng, đồng thời nổi tiếng với các gói tour giá rẻ, "giá sốc". Để có được mức giá này, buộc khách du lịch mua tour phải chi tiêu tại các cửa hàng địa phương.
Sau hàng loạt các vụ việc tiêu cực bị báo chí phanh phui đã xảy ra hiện tượng những công ty du lịch không muốn "chào đón" truyền thông để giảm thiểu nguy cơ bị phơi bày góc khuất trong hoạt động kinh doanh.
Trong vai một khách du lịch tiềm năng, phóng viên của tờ Sixth Tone phát hiện thấy, một số công ty du lịch ở Vân Nam đưa ra những hạn chế với các nhà báo.
"Nói thật lòng, chúng tôi sợ phải phục vụ các nhà báo. Các công ty sợ bị lộ khuyết điểm nếu không phục vụ khách chuẩn, chỉnh", người đại diện của đại lý thuộc Trung tâm Lữ hành Quốc tế Trung Quốc (CITA) nằm ở thành phố Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, nói với Sixth Tone.
Cũng theo vị này, các công ty tour du lịch Vân Nam "lo" bị nhà báo tìm thấy những vấn đề tiêu cực đặc biệt vào vụ hè bận rộn.
Khi chia sẻ thông tin với Shangyou News, một tờ báo địa phương, quản lý dịch vụ khách hàng của CITA còn cho biết, ngoài nhà báo, nghề luật sư cũng như một số "nghề nghiệp nhạy cảm" khác, đều bị "hạn chế" tham gia các gói tour du lịch.
Tuy nhiên theo thông tin mới nhất được đại diện của CITA thông báo, phía cơ quan này chính thức phủ nhận những tin tức xung quanh việc "từ chối cung cấp dịch vụ cho các luật sư cũng như giới báo chí".
Hầu hết các công ty du lịch tại Trung Quốc đều có tour giá rẻ gồm chuyến đi bắt buộc du khách phải ghé thăm các cửa hàng địa phương. Khi khách chi tiêu, công ty sẽ nhận chiết khấu hoa hồng.
Phía CITA đưa ra ví dụ, một tour du lịch trọn gói tới Vân Nam trong 6 ngày có giá 1.380 nhân dân tệ (hơn 4,5 triệu đồng), du khách bắt buộc phải tới thăm cửa hàng bán đồ trang sức, trung tâm phân phối sản phẩm phục vụ sức khỏe.
Nếu không muốn đi tour này, du khách có thể đăng ký "gói không mua sắm" sẽ có giá 2.160 tệ (hơn 7 triệu đồng).
Đại diện CITA khuyến cáo "các nhà báo có thể chọn phương án gói du lịch không mua sắm" hoặc du lịch tự túc. Tương tự, công ty dịch vụ du lịch Côn Minh Comfort cũng nói với phóng viên Sixth Tone rằng, giới báo chí truyền thông "nên tự đi du lịch hơn là đặt tour".
Theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV, năm 2017, một công ty du lịch ở Vân Nam từng liệt kê các quy định "cấm nhà báo, luật sư và những người làm trong ngành du lịch được tham gia tour của họ".
Tuy nhiên đến nay, sau khi phóng viên Sixth Tone liên hệ, không có công ty du lịch nào đưa ra những "hạn chế về nghề nghiệp của du khách".
Ông Zhang Weiping, luật sư thuộc công ty luật Pingwei Quảng Đông, nhấn mạnh, trong luật du lịch và luật bảo vệ quyền lợi, lợi ích người tiêu dùng Trung Quốc "không cho phép phân biệt đối xử người tiêu dùng dựa trên nghề nghiệp".
Trước vụ việc này, đại diện của Sở văn hóa và du lịch tỉnh Vân Nam cho biết vẫn đang tiến hành điều tra làm rõ.