Nhiều người không còn mù quáng mua túi hiệu

Nhiều người hiện không còn hào hứng trong việc mua túi hiệu đầu tư dù giá các mặt hàng liên tục tăng cao.

Saint Laurent là một trong những thương hiệu tăng giá túi dịp gần đây. Ảnh: SSI Life.

Gần cuối năm, theo dự đoán của nhiều chuyên gia, các thương hiệu xa xỉ lại tiếp tục tạo ra làn sóng tăng giá. Hãng có mức tăng lớn nhất là Chanel, Sina đưa tin. Chẳng hạn chiếc túi xách cổ điển Class Flap (CF) của nhà mốt đã vượt mức giá 8.500 USD. Kích thức lớn hơn tăng lên mức 10.000 USD.

Vào năm 2015, chiếc CF có giá khoảng 4.200 USD. Nó đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 7 năm. Nhìn thấy mức giá này, nhiều người đã thốt lên: “Chanel thật điên rồ”.

Chanel không đơn độc trong việc tăng giá

Giám đốc tài chính của Hermès đã tiết lộ với giới truyền thông hãng sẽ điều chỉnh giá trên diện rộng vào năm 2023. Các sản phẩm sẽ tăng từ 5% đến 10%.

Trong tháng 10, một số sản phẩm của Saint Laurent đã được điều chỉnh giá tại thị trường Trung Quốc. Từ đầu tháng 11, giá tại Anh cũng tăng trên diện rộng. Giá của dòng Niki đã tăng khoảng 20%​. Niki Baby ban đầu có giá 2.500 USD đã tăng gần 3.000 USD. Túi xách da cổ điển gấp nếp Niki mini cũng không ngoại lệ.

Đầu tháng 11, tất cả các sản phẩm Louis Vuitton đã được tăng giá, dao động từ 3% đến 10%.

“Dù giá cả tăng cao, tâm lý người dùng hiện nay có những thay đổi tinh tế. Họ lý trí hơn và không còn mù quáng chạy theo xu hướng. Nói cách khác, mọi người ngày càng trở nên bình tĩnh hơn”, Sina bình luận.

tui hieu dep anh 1

Túi xách da cổ điển gấp nếp Niki mini. Ảnh: YSL.

Nhiều người có suy nghĩ “mua đồ xa xỉ kiếm tiền”. Thực tế, con đường này không dễ đi. Bởi chiếc túi tăng giá được đặt trong quầy, không phải cái mọi người đang cầm trên tay. Túi xách đã mua chỉ có thể giữ nguyên giá trị khi không được dùng đến. Nếu không, giá của nó sẽ giảm dần theo thời gian.

Jiang Yifan - Trưởng nhóm phân tích thị trường của Viện nghiên cứu Guotai Junan - cho rằng việc đầu tư vào một món hàng xa xỉ vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Hàng hiệu ngày càng “na ná” nhau

Ngoài những yếu tố khách quan như thay đổi chi phí, nguyên nhân cơ bản hơn khiến các thương hiệu xa xỉ chọn cách tăng giá là để sàng lọc khách hàng. Điều này khiến họ tiến gần hơn đến khách hàng mục tiêu thực sự. Đó là những vị khách có giá trị ròng cao.

Trong quá khứ, nhiều thương hiệu tạo ra chiếc túi mang dấu ấn đặc trưng của mình. Ví dụ, khi Phoebe Philo còn phụ trách CELINE, nhà thiết kế không cần phải in bất kỳ logo nào trên túi xách để làm nổi bật đặc điểm riêng. Ngày nay, dù các mẫu áo mới được cập nhật theo từng mùa, nó vẫn tạo cảm giác tương tự với khách hàng.

Lý do khiến việc chi tiền lại càng khó khăn hơn đó là những chiếc túi xách xa xỉ dần trở nên giống nhau. Một phong cách phổ biến và các thương hiệu khác nhanh chóng làm theo. Cách phân biệt duy nhất là thông qua logo.

Mẫu mã học hỏi lẫn nhau, giá cả không ngừng tăng đã khiến sức hút của những chiếc túi mới không còn được như trước. Do đó, sự khao khát túi xách hàng hiệu không còn mạnh mẽ.

tui hieu dep anh 2

Thị trường đồ cũ đang bùng lên mạnh mẽ. Ảnh: Sina.

Cuối cùng, thị trường bán lại đang đi lên và người tiêu dùng có các kênh mới để mua. Việc mua bán đồ cũ tăng mạnh do ảnh hưởng của đại dịch vẫn tiếp diễn. Lúc đầu, một số gia đình chọn cách mua đồ cũ để tiết kiệm tiền. Bây giờ, mua sắm đồ cũ đang trở thành xu hướng chủ đạo.

Theo các cuộc khảo sát năm 2020 và 2022, giá trị của thị trường đồ cũ đã chiếm từ 3% đến 5% trong toàn ngành quần áo. Nhiều chuyên gia dự đoán các sản phẩm bán lại sẽ chiếm 27% tủ quần áo của người tiêu dùng vào năm 2023. Đó là dấu hiệu cho thấy nhiều người đã chấp nhận "đồ cũ".

Theo dữ liệu của một nền tảng bán đồ cũ, giá các mặt hàng xa xỉ bằng khoảng 30-70% so với giá gốc. Các sản phẩm trên thị trường bán lại đáp ứng được nhu cầu sử dụng hàng ngày.

Hơn nữa, thị trường đồ cũ được thúc đẩy bởi Gen Z đã làm giảm cảm giác bị “áp bức” của người tiêu dùng đối với việc tăng giá từ các hãng lớn. Điều này làm thay đổi cách mọi người mua và bán hàng xa xỉ.

Trong tình hình kinh tế phức tạp hiện nay, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn trong việc tiêu dùng hàng hiệu. Khi từ bỏ việc chạy theo xu hướng một cách mù quáng, họ tránh lãng phí.

5 cuốn sách dành cho các tín đồ thời trang

Thanh lịch kiểu Pháp là một trong ba tác phẩm đình đám về chủ đề phong cách Pháp - Parisian Chic. Quỷ cái vận đồ Prada mang lại cái nhìn cận cảnh vào thế giới của tạp chí và thời trang. Dress Code đưa ra những cách kết hợp thường ngày cho những bộ trang phục bình dị.

Thời trang là thế giúp độc giả tìm hiểu lịch sử của ngành thời trang kể từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay. 20 bí mật sành điệu từ Madame Chic giúp bạn đọc khám phá thêm phong cách thanh lịch và sành điệu của thời trang Pháp.