8 sai lầm tai hại khiến máy giặt nhanh hỏng

Dưới đây là những sai lầm tai hại khi dùng máy giặt mà rất nhiều người mắc phải mà khiến máy giặt nhanh hỏng.

Mở nắp máy giặt đột ngột khi đang hoạt động

Mở nắp máy khi lồng giặt đang quay là điều cấm kỵ, có thể gây hại nặng nề cho thiết bị cũng như uy hiếp an toàn của người sử dụng. Việc mở nắp hoặc thay đổi chế độ làm gián đoạn quá trình giặt, đôi khi nó có thể khiến cho trục xoay lồng giặt bị lệch.

Vì vậy, để an toàn, bạn cần nhấn nút Tạm dừng/Pause trước khi muốn mở nắp máy giặt.

8 sai lầm tai hại khiến máy giặt nhanh hỏng

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Dùng nhiều bột giặt, nước giặt hơn yêu cầu

Rất nhiều người vẫn có thói quen cho nhiều bột giặt hay nước giặt vào máy giặt và nghĩ rằng quần áo sẽ được sạch hơn, đặc biệt là khi phải giặt quần áo quá bẩn, quần áo bám nhiều bụi, bùn đất…

Tuy nhiên, nếu dùng quá nhiều bột giặt hay nước giặt trong mỗi lần giặt sẽ khiến máy không dùng hết, lượng nước giặt còn thừa không được xả hết ra ngoài, dễ gây tắc máy mà quần áo sau khi giặt vẫn không sạch. Bạn nên dùng bột giặt hay nước giặt tùy theo từng loại quần áo và trọng lượng của máy giặt theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

Không vệ sinh máy giặt

Đây là một trong những sai lầm phổ biến. Các gia đình sử dụng máy giặt hàng ngày nhưng rất hiếm khi vệ sinh thiết bị này. Giống với tất cả các đồ dùng gia dụng khác trong nhà, máy giặt cũng cần được vệ sinh định kỳ. Việc làm sạch và kiểm tra thường xuyên giúp kéo dài tuổi thọ cho máy..

Vệ sinh máy thường xuyên giúp loại bỏ vi khuẩn, nấm mốc, cặn bột giặt, xơ vải... Như vậy, quần áo cũng được giặt sạch hơn.

Hiện nay, một số dòng máy giặt hiện đại có chế độ nhắc nhở việc vệ sinh lồng giặt. Khi đó bạn chỉ cần vệ sinh đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất là được. Đối với những máy không có chức năng này, thì trung bình mỗi tháng bạn nên vệ sinh máy một lần.

Quên kiểm tra, phân loại quần áo trước khi giặt

Trước khi giặt, chúng ta cần kiểm tra kỹ túi quần áo để không bỏ sót các vật dụng như chìa khóa, bật lửa... Việc để quên những món đồ này và cho vào máy giặt sẽ khiến máy và quần áo bị hỏng.

Ngoài ra, chúng ta cũng nên khéo khóa, cài cúc quần áo trước khi giặt để tránh làm hỏng lồng giặt khi máy hoạt động.

Việc phân loại quần áo theo màu sắc, chất liệu giúp bảo vệ độ bền đẹp của trang phục, không bị phai màu.

Với những quần áo bằng len, lụa hay đồ lót, bạn có thể sử dụng túi giặt để giữ chúng được bền hơn.

Giặt quá nhiều hoặc quá ít quần áo

Mỗi máy giặt được thiết kế để chịu được một trọng lượng quần áo và nước nhất định. Việc giặt quá tải khiến máy phải "căng mình" lên để làm việc. Lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của máy, Ngoài ra, nhiều quần áo khiến nước và bột giặt lưu thông không đều. Quần áo của bạn sẽ không sạch như khi giặt đúng theo chỉ dẫn.

Việc giặt quá ít gây lãng phí điện nước. Quần áo dễ bị dồn vào một phía của lồng giặt, làm lồng giặt mất cân đối, gây ra những cú lắc mạnh trong quá trình vắt, sấy.

Khối lượng quần áo khô khi bỏ vào máy chỉ nên bằng 4/5 chiều cao của lồng giặt.

Để quần áo đã giặt ở trong máy qua đêm

Nhiều gia đình có thói quen giặt quần áo vào buổi tối và để qua đêm tới sáng hôm sau mới đem đi phơi. Điều này khiến vi khuẩn sinh sôi trên quần áo ẩm, sinh ra mùi khó chịu và không tốt cho người mặc.

Quần áo sau khi giặt nên được phơi càng sớm càng tốt. Sau khi giặt xong nên mở cửa máy để lồng giặt được khô, thoáng.

Lạm dụng nước xả làm mềm vải

Ưu điểm của nước xả vải là làm mềm và tạo độ thơm cho vải. Và đó cũng là điểm cộng duy nhất của nó.

Xét về mặt lý thuyết, nước xả vải không giúp quần áo của bạn sạch sẽ hơn. Ngược lại, quần áo sẽ luôn trong tình trạng dính hóa chất, vì các bước xả vải sẽ không thể làm sạch hoàn toàn các chất tẩy rửa.

Hơn nữa, máy giặt cũng bị bẩn. Các chất làm mềm vải có thể góp phần vào sự phát triển của nấm mốc và làm tắc nghẽn máy giặt và đường ống.

Không mở cửa máy giặt thường xuyên

Nhiều gia đình có thói quen đóng cửa máy giặt suốt ngày vì lo ngại những bụi bẩn bên ngoài vào trong.

Là người tiêu dùng thông thái, chúng ta nên biết ngay sau khi máy giặt ngừng hoạt động, phía trong lồng giặt sẽ tăng độ ẩm, tạo một môi trường thích hợp cho nấm mốc và vi khuẩn phát triển.

Vì vậy, tốt hơn hết bạn nên để yên cửa máy trong khoảng 15-20 phút, hoặc thậm chí giúp khô nhanh hơn bằng cách lau bề mặt bằng vải sau khi giặt.