Có thêm nơi gửi gắm niềm tin
Đến dự có GS. TS Vũ Dũng, Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Thị Mai Lan, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam, Phó Tổng biên tập Tạp chí Tâm lý học, Trưởng khoa Khoa Tâm lý học, Học viện Khoa học xã hội; PGS.TS.BS.NS Nguyễn Văn Thọ - Cố vấn chuyên môn; TS Lý Thị Mai, chuyên gia Tâm Lý - cố vấn chuyên môn; ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch CLB Doanh nhân và Pháp luật, Trưởng Văn phòng đại diện Pháp luật Media tại TP Hồ Chí Minh.
Viện IPRTA là thành viên của Hội Tâm lý học Việt Nam từ tháng 3/2023, được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép hoạt động số A- 2587 vào ngày 16/6/2023 với tôn chỉ “lấy con người làm trọng tâm trong các hoạt động”. Viện có trụ sở đặt tại số 48 đường số 7, Khu dân cư Phú Hữu, phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.
Theo bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Viện trưởng IPRTA, Viện hướng tới tầm nhìn mỗi thế hệ người Việt Nam có sự phát triển toàn diện sức khỏe tâm thần và thể chất, góp phần vào các mục tiêu phát triển tâm lý xã hội của khu vực và của thế giới. Viện đặt ra mục tiêu trở thành cơ sở nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng tâm lý hàng đầu Châu Á đến năm 2027; chuyên thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng kiến thức, cung cấp dịch vụ và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực tâm lý học cho các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.
Trên hành trình hiện thực hóa tầm nhìn và mục tiêu ấy, IPRTA cam kết các hoạt động của Viện đều dựa trên 4 sứ mệnh: Nâng cao chất lượng sức khỏe tâm thần cho cộng đồng và xây dựng hệ sinh thái tích cực; Xây dựng đội ngũ chuyên gia và nghiên cứu chất lượng cao; Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần toàn diện; Thúc đẩy mối liên hệ hợp tác và phát triển nghề nghiệp.
Viện IPRTA hoạt động trên 4 lĩnh vực chính, gồm: Nghiên cứu tâm lý, đào tạo tâm lý và bồi dưỡng nguồn nhân lực, ứng dụng tâm lý học, hợp tác quốc tế.
Trong lĩnh vực nghiên cứu tâm lý, Viện IPRTA triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến ngành tâm lý trong các môi trường khác nhau tại Việt Nam, góp phần xây dựng nền tâm lý học Việt Nam; phối hợp thực hiện và báo cáo các đề tài, dự án nghiên cứu với các cá nhân và tổ chức quốc tế về chủ đề tâm lý học.
Cùng với đó, Viện tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn các chương trình thuộc lĩnh vực tâm lý học ngắn hạn, trung hạn, dài hạn và chuyên sâu theo nhu cầu của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Đây là hoạt động nằm trong lĩnh vực đào tạo tâm lý và bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Ứng dụng tâm lý học là nơi sàng lọc, đánh giá, chẩn đoán, tư vấn, tham vấn, can thiệp và trị liệu tâm lý cho người lớn và trẻ em các lứa tuổi theo quy mô cá nhân và nhóm; Tư vấn hướng nghiệp các cá nhân và tổ chức có nhu cầu; Tư vấn phát triển đội ngũ, tổ chức và nguồn nhân lực; Xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ tâm lý, chăm sóc sức khỏe tinh thần theo nhu cầu của xã hội.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, Viện tổ chức hợp tác với các Viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tâm lý - xã hội trong nước và quốc tế thông qua các hình thức như hội thảo, hội nghị, diễn đàn trao đổi kinh nghiệm và ứng dụng tâm lý học,...
Để đạt được hiệu quả tối ưu nhất trong 4 lĩnh vực hoạt động trên, Viện IPRTA đã đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại đạt chuẩn quốc tế. Từ khu vực sân chơi, sảnh tiếp khách, phòng họp lớn, phòng trị liệu âm nhạc, phòng trị liệu tâm vận động, phòng làm việc, khu vực workshop trong nhà và ngoài trời đều được trang bị đầy đủ thiết bị, học cụ đáp ứng nhu cầu đa dạng trong đào tạo và trị liệu.
Viện IPRTA được điều hành bởi đội ngũ nhà sáng lập tài năng và giàu kinh nghiệm. Cùng với đó, Viện còn quy tụ đội ngũ bác sĩ, chuyên gia được đào tạo từ những ngôi trường danh tiếng về tâm lý trong nước và quốc tế. Với tâm huyết, trách nhiệm và lý tưởng cao đẹp cống hiến cho ngành tâm lý học nước nhà, đội ngũ lãnh đạo, ban cố vấn chuyên môn, đội ngũ chuyên gia cho biết sẽ nỗ lực đưa Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Ứng dụng Tâm lý IPRTA trở thành “cánh tay nối dài” của Hội Tâm lý học Việt Nam.
Phát biểu tại lễ ra mắt, lãnh đạo Hội Tâm lý học Việt Nam và các chuyên gia tâm lý cho rằng, rất vui khi Viện IPRTA ra đời. Đây sẽ là chỗ dựa tinh thần của rất nhiều gia đình, góp phần cùng xã hội quan tâm hơn đến sức khỏe tâm thân của người dân.
Phát biểu chúc mừng, GS.TS Vũ Dũng, Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam cho rằng, việc ra mắt Viện Nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng Tâm lý IPRTA tại TP Hồ Chí Minh sẽ kết nối các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong ngành tâm lý học, góp phần chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân Việt Nam, vì một thế hệ Việt Nam tương lai phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
Theo GS.TS Vũ Dũng, trong bối cảnh sức khỏe tinh thần ngày càng được quan tâm và thực trạng các loại bệnh lý tâm thần đang ngày càng có chiều hướng gia tăng, Viện IPRTA tập trung nghiên cứu, đào tạo kiến thức cho cha mẹ nuôi dạy các con; chăm sóc và phát hiện sớm các trường hợp trẻ gặp khó khăn ngôn ngữ, rối loạn phát triển trí tuệ để kịp thời hỗ trợ các con; đào tạo nhận thức cho giáo viên mầm non về trẻ “rối loạn phổ tự kỷ”, đào tạo chương trình kỹ năng cho học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông và các hoạt động định hướng nghề nghiệp cho giới trẻ là một hướng đi rất đúng đắn. Những hoạt động đó sẽ mang lại những lợi ích tích cực cho cộng đồng vì một tương lai con người Việt Nam khỏe mạnh toàn diện.
“Ước mơ của mẹ”
Trước khi thành lập Viện IPRTA, Viện trưởng Nguyễn Thị Thùy Dung đã thành công trong việc phát triển trường Mầm non Em Bé hạnh phúc lấy cảm hứng từ tình yêu thương dành cho các con; những khó khăn tâm lý của học trò mình mà cô đã quyết định xây dựng hệ thống Trung tâm tham vấn trị liệu Tâm lý Ước mơ của mẹ tại TP Thủ Đức. Thay lời muốn nói của các ba mẹ mong muốn con mình là những em bé khỏe mạnh và hạnh phúc để có một thế hệ trẻ em khỏe mạnh, ước mơ của mẹ là nơi “Chăm dưỡng tương lai”. Nơi đây trở thành địa chỉ được nhiều phụ huynh tin tưởng và gửi gắm. Qua quá trình học tập và hỗ trợ trị liệu tại trung tâm, các con đã có những phát triển tích cực.
Ra đời với sứ mệnh trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cha mẹ, nơi chăm dưỡng hạnh phúc và đón nhận sự khác biệt của các con, Hệ thống giáo dục và tham vấn trị liệu tâm lý “Ước mơ của mẹ” đã trở thành “ngôi nhà hạnh phúc” hỗ trợ quản lý cảm xúc khủng hoảng lứa tuổi của các em bé lứa tuổi mầm non, nơi rèn luyện kỹ năng sống, học tập vận động phòng ngừa cho trẻ và đặc biệt hỗ trợ những em bé có nhu cầu đặc biệt để hòa nhập môi trường học tập và môi trường xã hội.
Được sáng lập và điều hành bởi Viện trưởng Nguyễn Thị Thùy Dung, cùng đội ngũ chuyên gia - bác sĩ giàu kinh nghiệm và tận tâm của Viện IPRTA , “Ước mơ của mẹ” đang vững bước trên hành trình cung cấp các giải pháp hỗ trợ, chăm sóc tâm lý hiệu quả cho các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm lý, cân bằng cảm xúc và hành vi của trẻ. Với khao khát lan tỏa những giá trị tốt đẹp ấy đến với những em nhỏ ở các tỉnh thành xa xôi - nơi khó tiếp cận với các trung tâm điều trị tâm lý, dự án “Ước mơ của mẹ” được ra đời.
Thông qua dự án này, các chuyên gia - bác sĩ sẽ đến trực tiếp từng địa phương để triển khai các phương pháp sàng lọc - can thiệp sớm cho các bé, phát hiện kịp thời và gia tăng hiệu quả trị liệu; phá vỡ rào cản về khoảng cách địa lý và khó khăn tài chính cho các gia đình, giúp các bé được trị liệu ngay tại địa phương; cung cấp kiến thức, nâng cao kỹ năng cho các bậc phụ huynh.
Dự án “Ước mơ của mẹ” mong muốn được kết nối với các chuyên gia ngành tâm lý, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi lợi nhuận, các doanh nghiệp xây dựng những chuỗi Trung tâm tham vấn trị liệu tâm lý ở các tỉnh thành xa xôi nhằm hỗ trợ và phục vụ cho các con được tiếp cận trị liệu kịp thời và không gián đoạn.
“Luôn đặt cảm xúc - niềm vui - hạnh phúc của trẻ em lên hàng đầu, chúng tôi tin rằng mỗi trẻ em đều có tiềm năng và quyền được hỗ trợ để phát triển tối đa. Để đi đến đích thành công, dự án “Ước mơ của mẹ” cần sự chung tay của toàn xã hội, vì một thế hệ trẻ em khỏe mạnh và hạnh phúc, vì một đất nước phát triển phồn vinh”, bà Nguyễn Thị Thùy Dung chia sẻ.