Hỗ trợ dinh dưỡng cho 1.570 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Ngày 6/10, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tổng kết dự án “Chương trình hỗ trợ học bổng và dinh dưỡng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn TP Hồ Chí Minh - giai đoạn II”.

Được sự phê duyệt của UBND TP Hồ Chí Minh, Hội bảo vệ Quyền trẻ em thành phố và Tổ chức Taiwan Fund for Children and Families (viết tắt là Tổ chức TFCF) đã ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện dự án.

ho-tro-tre-em-1696656574.jpg
Trao tặng quà cho gia đình có trẻ em suy dinh dưỡng.

Theo Hội Bảo vệ Quyền trẻ em, mục tiêu của dự án này là góp phần hỗ trợ cùng với thành phố từng bước bảo đảm các quyền cơ bản của các nhóm trẻ em dưới 6 tuổi thuộc diện có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ, có cơ hội tiếp cận một cách bình đẳng về dinh dưỡng cùng các dịch vụ hỗ trợ. Qua đó, hướng tới mục tiêu giúp các em phát triển một cách toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần.

Tham gia dự án có các chuyên gia về dinh dưỡng, các bác sĩ, điều dưỡng và các ngành chức năng cùng các tổ chức bảo vệ quyền trẻ em. Kết quả, dự án đã thực hiện 14 đợt hỗ trợ dinh dưỡng cho 1.570 lượt trẻ em với tổng số tiền là trên 1,2 tỷ đồng.

bac-si-tu-van-1696656845.jpg
Bác sĩ khám cho trẻ và tư vấn cho mẹ về về các chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Dự án phối hợp với Bệnh viện Nhi Đồng 2, Trung tâm Y tế quận Tân Phú tổ chức 6 đợt khám dinh dưỡng cho 549 lượt trẻ trong chương trình. Qua việc khám trẻ, được các bác sĩ kiểm tra, đánh giá về tình trạng sức khỏe dinh dưỡng và được tư vấn, hướng dẫn về các chế độ dinh dưỡng phù hợp. Trong đợt khám dinh dưỡng gần nhất đã cho ra kết quả: 35.4% trẻ không suy dinh dưỡng và phát triển tốt; 64,6% suy dinh dưỡng, nguy cơ suy dinh dưỡng và có các vấn đề về dinh dưỡng.

Để thực hiện tốt dự án, chương trình đã tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ trẻ em và các kiến thức liên quan đến chăm sóc trẻ em những năm đầu đời. Nội dung tập trung vào các chủ đề: Sử dụng thiết bị màn hình, vai trò của các nhóm chất trong sự phát triển của trẻ, bữa ăn vui vẻ cho trẻ, phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em, dạy trẻ giữ gìn vệ sinh cá nhân, phát triển ngôn ngữ cho trẻ… Đồng thời phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng 2 và Trung tâm Y tế quận Tân phú tổ chức 3 đợt truyền thông và thực hành dinh dưỡng với 6 chuyên đề cho 214 lượt người chăm sóc trẻ. Nội dung tập trung vào vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em giai đoạn dưới 6 tuổi.

tap-huan-tre-em-1696657111.jpg
Tập huấn nâng cao nhận thức về bảo vệ trẻ em và các kiến thức liên quan đến chăm sóc trẻ.

Ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh cho biết, cái được của dự án này đó là chương trình đã đồng hành, kết nối chuyển gửi các dịch vụ hỗ trợ ngoài dự án (ngoài gói hỗ trợ trong dự án). Qua đó, đã kết hợp khảo sát về nhu cầu, những khó khăn của trẻ và gia đình. Từ đó, kết nối chuyển gửi cho các dự án, cơ quan, đơn vị có khả năng xem xét hỗ trợ gia đình và trẻ. Kết quả, có 7 gia đình chuyển gửi nhận gói hỗ trợ dinh dưỡng, an sinh, sinh kế từ Tổ chức cứu trợ trẻ em SCI; 4 gia đình chuyển gửi qua dự án của tổ chức Enfants d'asie nhận hỗ trợ học bổng; 9 trẻ nhận hỗ trợ học bổng, BHYT từ Tổ chức EE và các nhà hảo tâm; 6 trẻ được rà soát, đánh giá nhằm can thiệp và hỗ trợ về tâm lý xã hội từ dự án ILO; 80 trẻ được chuyển gửi tham gia các hoạt động từ dự án với tổ chức PE&D.

pham-dinh-nghinh-1696657151.jpg
Ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị.

Ngoài ra, các gia đình trong dự án nhận nhiều dịch vụ khác nhau từ sự kết nối và hỗ trợ từ: Trung tâm Y tế quận tân Phú, Trung tâm công tác xã hội - giáo dục nghề nghiệp thiếu niên thành phố, Tổ chức PE&D.