Trần Đặng Đăng Khoa hiện là đại sứ của Operation Smile Vietnam - tổ chức nhân đạo hoạt động trong lĩnh vực y tế - đem đến các ca phẫu thuật an toàn và miễn phí cho trẻ em bị dị tật vùng hàm mặt. Anh đang tham gia sự kiện chạy bộ trực tuyến vì cộng đồng UpRace để đóng góp thêm nhiều bước chạy, lan tỏa năng lượng tích cực sau đại dịch Covid-19, sẻ chia với các tổ chức hoạt động vì trẻ em và môi trường.
Chạy bộ là một hành trình mới
- Sau chuyến vòng quanh thế giới và được nhiều người biết đến, cuộc sống của anh thay đổi như thế nào?
- Sau chuyến đi, tôi vẫn đang làm các công việc để trở về với nhịp sống thông thường. Người ta nói bạn đi bao lâu thì sẽ mất từng đó thời gian để trở về cuộc sống cũ. Hơn một năm rồi, tôi vẫn chưa hoàn toàn thích nghi với nhịp sống ở Việt Nam bởi thời gian trước di chuyển liên tục, mỗi ngày ở một nơi khác nhau.
Quay về cuộc sống bình thường, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19, cuộc sống có phần bức bối. Nhưng nhìn chung, cuộc sống của tôi vẫn ổn. Hy vọng sau khi dịch được kiểm soát, tôi có thể tiếp tục những chuyến đi.
- Cơ duyên nào đưa anh đến với chạy bộ?
- Trước đây, tôi từng tham gia một vài lần chạy cho vui. Từ khi trở thành đại sứ của Operation Smile, tôi có cơ hội tham gia nhiều giải chạy để gây quỹ. Khu vực tôi ở hiện tại cũng tiện cho việc chạy bộ và rèn luyện. Việc chạy bộ cũng có tác dụng giảm cân và tốt cho sức khỏe. Cảm thấy bản thân phù hợp với việc chạy bộ nên tôi tham gia chạy nhiều hơn. Đi đến đâu, nếu có dịp thì tôi sẽ xỏ giày chạy.
Trần Đặng Đăng Khoa có nhiều cơ hội tham gia chạy bộ khi trở thành đại sứ Operation Smile. |
- Từng chinh phục chặng đường khoảng 80.000 km, qua 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, anh thấy có sự tương đồng nào giữa việc chạy bộ đường dài và lái xe đường dài bằng “chiến mã”?
- Tôi thấy hai việc này khác nhau hoàn toàn. Việc chạy bộ đường dài dùng sức người, còn lái xe cần những kỹ năng chạy xe của bản thân. Chạy bộ đường dài cũng có thử thách riêng như dùng sức nhiều, chế độ tập luyện, dinh dưỡng khắt khe, cần điều phối khả năng để tránh không quá sức hay chấn thương. Ưu điểm của chạy bộ là không cần xin visa, an toàn hơn, không cần lo lắng về tai nạn trên đường đi.
Theo Đăng Khoa, việc chạy bộ đòi hỏi sức bền, thể lực tốt. |
- Đây có phải lý do anh tham gia UpRace?
- Năm ngoái tôi được mời tham gia UpRace nhưng đúng thời điểm mới về Việt Nam nên không thể sắp xếp. Năm nay quay lại giải chạy này với tư cách đại sứ Operation Smile, tôi rất vui vì bản thân quý mến cả UpRace và Operation Smile. Sau một năm, tôi cũng cảm thấy tự tin hơn khi chạy bộ. Đó là lý do tôi tham gia UpRace mà không cần đắn đo.
"Đi chân đất" cũng có thể cống hiến cho cộng đồng
- Anh có cảm nhận gì khi các hoạt động này bắt nguồn từ việc gắn kết hoạt động thể thao lành mạnh và giúp đỡ cộng đồng?
- Sự kiện UpRace được nhiều người biết đến vì mục đích thiết thực, giúp người dân Việt Nam có cơ hội tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe, mà cách thức tham gia đơn giản. Nói vui là nhiều khi đi chân đất cũng có thể tập luyện. Hơn nữa, việc chạy bộ này có tính thiện nguyện, nhân văn cao. Đây là ý tưởng rất hay nên tôi hoàn toàn ủng hộ.
- Đây là năm thứ 2 Operation Smile tham gia UpRace và là năm đầu tiên anh tham gia với tư cách đại sứ của tổ chức, anh đặt mục tiêu gì cho bản thân?
- Năm nay, tôi cảm thấy tự tin hơn nên mạnh dạn đặt mục tiêu đạt 100 km. Tôi cũng có cơ hội tham gia thử thách marathon 42 km nên mục tiêu 100 km không quá khó. Đặc biệt, theo thể lệ cuộc thi thì chủ nhật hàng tuần và ngày 11/11 sẽ được nhân đôi thành tích. Tôi hy vọng việc chạy bộ của mình có thể khuyến khích nhiều anh chị và các bạn cùng tham gia, mang đến nhiều thay đổi ý nghĩa cho các em bé.
- Mỗi hành trình đều để lại nhiều trải nghiệm đáng giá, vậy chạy bộ nói chung và việc tham gia UpRace nói riêng đã để lại trong anh điều gì?
- Tôi nghĩ việc chạy bộ rất đơn giản vì ai cũng có thể tập, có tác dụng cho sức khỏe và tinh thần. Trải qua thời kỳ dịch bệnh, việc chạy bộ giúp thư giãn, gắn kết cộng đồng.
Tôi muốn nhắn nhủ mọi người, dù ít hay nhiều, chúng ta có thể chạy bộ tùy khả năng sức khỏe để đóng góp vào UpRace và dự án gây quỹ của tổ chức. Sau một thời gian ở nhà cách ly quá lâu, UpRace là lý do để mọi người xỏ giày, vừa tập luyện sức khỏe, vừa gắn kết hỗ trợ cộng đồng, cùng nhau vượt qua những khó khăn.
Trần Đặng Đăng Khoa đặt mục tiêu đạt 100 km khi tham gia UpRace. |
- Anh có thể kể một kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình gắn bó cùng OSV?
- Đó là một kỷ niệm đặc biệt trong giải chạy Vietnam Trail Marathon ở Mộc Châu hồi tháng 4, cũng là lần đầu tôi chạy marathon 42 km. Thời tiết rất nóng nên tôi phải cố gắng để hoàn thành. Tôi cũng có dịp gặp anh Việt Nguyễn - Trưởng đại diện Operation Smile cùng các anh chị, đại sứ runner của tổ chức.
Trên đường chạy, tôi được mọi người hỗ trợ cho đến khi đến vạch đích nên rất xúc động. Đối với tôi, đây là dấu mốc đáng nhớ cho trải nghiệm hoàn thành cự ly 42 km. Trước đây, tôi đơn thuần nghĩ chạy bộ là để rèn luyện sức khỏe, ý chí, tinh thần của cá nhân. Nhưng từ khi tham gia các giải chạy, tôi nhận ra chạy bộ cũng có thể giúp thay đổi cuộc sống của những em bé khác. Đó là ý nghĩa nhân văn khiến tôi muốn tham gia chương trình UpRace lần này.
UpRace là dự án chạy bộ trực tuyến vì cộng đồng lớn tại Việt Nam, chính thức diễn ra lần thứ 4 từ 31/10 đến 21/11. Tương ứng mỗi km chạy bộ được ghi nhận trên ứng dụng UpRace, VNG - doanh nghiệp khởi xướng và bảo trợ kỹ thuật dự án - cùng các nhà tài trợ khác cam kết quyên góp ít nhất 1.000 đồng cho các tổ chức xã hội. Trong 3 mùa UpRace 2018-2020, có hơn 6 triệu km được ghi nhận và 14,3 tỷ đồng đã được đóng góp để tạo ra các thay đổi.
Vận động viên tham gia UpRace 2021 được tự chọn một trong 4 tổ chức xã hội để đóng góp bước chạy: Newborns Vietnam, Green Việt, Operation Smile Vietnam và Saigon Children’s Charity.