TikTok đầy rẫy những vụ quay lén tương tự Phương Oanh và Shark Bình

Khi những trang lá cải dần buông bỏ đời tư của người nổi tiếng, TikTok đã "tiếp quản" thị trường, nơi đầy rẫy hình ảnh quay chụp lén, tin đồn giật gân về ca sĩ A, diễn viên B.

"Tôi cảm thấy bản thân đang mất dần quyền cơ bản của con người. Tôi nhiều lần tự hỏi người nổi tiếng có được bảo vệ hay không. Hành vi lăng mạ, xúc phạm thậm tệ và chia sẻ những video không được sự cho phép của người bị quay cũng là vi phạm. Tại sao họ cướp đi quyền con người của tôi như vậy".

Diễn viên Phương Oanh chia sẻ bức xúc sau thời gian dài bị chụp ảnh, quay lén những khoảnh khắc riêng tư bên Shark Bình. Những hình ảnh này xuất hiện trên các kênh TikTok, nhanh chóng viral và sau đó tiếp tục lan truyền sang các nền tảng mạng xã hội khác.

Các clip nhận về hàng triệu lượt xem, lên xu hướng trên nền tảng và thu hút vô số bình luận phản cảm, chế giễu những người có liên quan.

Phương Oanh cho biết cô cảm thấy sa sút tinh thần, nhiều lần muốn nhờ pháp luật can thiệp nhưng gặp khó khăn vì các tài khoản đăng clip đều là nick ảo, khó xác định người quay và đăng.

"Ném đá giấu tay"

Sự xuất hiện của các kênh buôn chuyện khiến những tin đồn về người nổi tiếng ngày một phổ biến, thậm chí trở thành một trong những chủ đề dễ viral trên TikTok.

Thông thường, những kênh phao tin đồn này tồn tại ở hai dạng: những tài khoản ẩn danh không rõ ai đứng sau và các tài khoản có "chuyên gia bình luận" nhưng thường chỉ dám nêu tin ở dạng "gossip blinds".

Với những tài khoản ẩn danh, người đăng có thể chia sẻ bất kỳ hình ảnh nào thu hút sự chú ý của người xem. Hình ảnh có thể lấy từ những nguồn không xác định, được người dùng trong các hội nhóm đóng góp và đa phần đều được quay chụp một cách không chính thức.

Các clip quay lén Phương Oanh và Shark Bình thường thuộc dạng này. Hình ảnh có thể được ghi lại bởi người qua đường, thực khách trong nhà hàng, người tham gia bữa tiệc...

Người quay clip sau đó dùng tài khoản ẩn danh để đăng lên các hội nhóm hoặc gửi trực tiếp cho các trang buôn chuyện.

phuong oanh bi quay len anh 1

Hình ảnh quay chụp lén nghệ sĩ xuất hiện ngày càng nhiều trên TikTok.

Ở dạng thứ hai, các "chuyên gia bình luận" có thể lộ mặt trong các clip. Họ đưa ra những nhận định cá nhân về mối quan hệ, tính cách, lối sống của các ngôi sao, tóm tắt những sự vụ liên quan đến người nổi tiếng đang nóng trên mạng xã hội.

Nghe có vẻ chuyên nghiệp nhưng phần lớn thông tin, hình ảnh được chia sẻ vẫn chưa được xác thực. Trong nhiều trường hợp, để tránh các vấn đề pháp lý như bôi nhọ, phỉ báng cá nhân, những tài khoản này chỉ dám đăng kiểu "gossip blinds".

"Một diễn viên A đã kết hôn đang ngoại tình", "Một ca sĩ B xấu tính, chuyên trễ hẹn, nói xấu đồng nghiệp", "Người mẫu C có tật trộm cắp mà ai trong nghề cũng biết"... là những kiểu của "gossip blinds".

"Gossip blinds" là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong giới truyền thông và giải trí. Những cái tên luôn được gọi tắt, nói lái, nhưng người tạo "gossip blinds" sẽ cung cấp đủ các đặc điểm nhận dạng để bất kỳ ai theo dõi đều có thể dễ dàng đoán ra ngôi sao được nhắc tới trong tin đồn là ai.

Nếu tìm kiếm cụm từ #gossipblinds trên TikTok, sẽ có hơn 9,5 tỷ kết quả xuất hiện.

Kinh doanh tin đồn trên TikTok

Đầu những năm 2000 là thời kỳ hoàng kim của báo chí lá cải. Đám đông các tay săn ảnh về cơ bản sẽ theo dõi những người nổi tiếng, đuổi theo ôtô và dán ảnh bên ngoài nhà họ.

Các tạp chí, trang tin sẵn sàng trả 5.000-15.000 USD cho những bức ảnh độc quyền chụp người nổi tiếng. Điều này đã dẫn đến cuộc săn lùng đỉnh điểm và hoang dã của báo lá cải và paparazzi.

Năm 2005, Lindsay Lohan gặp tai nạn khi cố gắng thoát khỏi các paparazzi bám đuôi.

Cách đối xử tàn nhẫn với người nổi tiếng trên báo in vào đầu những năm 2000, đặc biệt là những phụ nữ trẻ như Britney Spears, Lindsay Lohan và Amy Winehouse, đã bị chỉ trích và buộc phải thay đổi.

Trong những năm tiếp theo, xã hội đã đi đến thống nhất rằng suy đoán về việc mang thai, ngoại tình và lan truyền những tin đồn vô căn cứ là sai. Các ấn phẩm như tạp chí Heat ở Anh, Page Six ở Mỹ mất dần chỗ đứng và hơn 30 ấn phẩm tương tự biến mất vào năm 2010.

Tuy nhiên, báo chí lá cải tàn lụi không có nghĩa những câu chuyện ngồi lê đôi mách về các ngôi sao sẽ hoàn toàn biến mất. Trong những năm gần đây, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok đã nổi lên để tiếp quản khoảng trống thị trường.

phuong oanh bi quay len anh 2

Blogger Tasha K phải bồi thường gần 4 triệu USD cho Cardi B vì tội phỉ báng.

Các tài khoản như Roth's và Fluently Forward (người có podcast giải thích về các "gossip blind") đã trở nên phổ biến và đạt đến đỉnh điểm trong thời kỳ đại dịch, khi khoảng cách giữa người nổi tiếng và người bình thường trở nên rõ ràng.

Khi một số tin đồn trên các trang này cuối cùng đã trở thành sự thật, Olivia Wilde hẹn hò với Harry Styles hay Kim Kardashian ly hôn Kanye West, giờ đây nhiều người thậm chí có xu hướng tin tưởng mọi thông tin được chia sẻ.

"Câu hỏi bây giờ không phải là 'tại sao chúng tôi nên tin những tin đồn này?' mà là 'tại sao chúng tôi không nên tin họ?'. Nhiều người có xu hướng tin tưởng cho đến khi tin đồn bị chứng minh là sai", tác giả Lucy Ford viết trên GQ.

Trong khi báo chí, kể cả các trang tin lá cải, tuân theo những quy chuẩn nhất định, những tài khoản phao tin đồn trên TikTok gần như không bị ràng buộc bởi bất kỳ điều gì.

Không giống như những tờ báo lá cải truyền thống trả tiền cho những tin tức độc quyền, ngành kinh doanh tin đồn đã thay đổi khi nó chuyển sang các nền tảng như YouTube, Instagram và gần đây nhất là TikTok.

"Hệ sinh thái tin đồn của YouTube tồn tại giống như một thế giới song song với thế giới của chúng ta, một nơi chỉ xoay quanh những người nổi tiếng trên YouTube, tin đồn trên nền tảng và người xem", Lizzie Plaugic đã viết cho The Verge vào năm 2017.

Tuy nhiên, câu chuyện về sự sụp đổ của "cỗ máy buôn chuyện" đình đám một thời trên YouTube có thể là lời nhắc nhở thiết thực nhất dành cho các TikToker đang chọn con đường tương tự.

Đầu năm 2022, Cardi B thắng kiện blogger Tasha K, người cáo buộc nữ rapper là gái mại dâm, mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục và sử dụng ma túy. Bồi thẩm đoàn trong vụ án đã kết luận Tasha K phải chịu trách nhiệm về tội phỉ báng và xâm phạm quyền riêng tư. Blogger này được lệnh phải bồi thường gần 4 triệu USD cho Cardi B.

Sau vụ kiện, Kristin Corry viết trên VICE News: "Chiến thắng của Cardi B không chỉ rửa sạch tên tuổi của cô. Nó sẽ thay đổi cách Internet tương tác với tin đồn về người nổi tiếng. Nếu các nền tảng như YouTube hoặc Instagram không chịu trách nhiệm về nội dung của mình, thì những người có đủ khả năng kiện sẽ kiện. Hoặc các kênh tin đồn sẽ thu hẹp lại, giống như sự suy giảm của báo lá cải trước đó".

Daniel Powell, luật sư quản lý tại Minc Law, công ty luật chuyên về phỉ báng trực tuyến, cho biết: "Vụ kiện này thực sự nên khiến những 'cổ máy buôn chuyện' dừng lại, nếu họ cho rằng mình có thể hoàn toàn thoát khỏi mọi hậu quả đằng sau mỗi phát ngôn trực tuyến".

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Zing, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.