TAND tỉnh Vĩnh Long vừa kết thúc phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Phạm Văn Cung (40 tuổi; nguyên trụ trì chùa Phước Quang ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) lừa đảo hơn 67 tỉ đồng của 4 phụ nữ ở TP HCM, Hà Nội và Hưng Yên. Trong số các bị hại, sau khi bị Cung lừa đảo với số tiền lớn, có người đã lâm vào cảnh khốn cùng.
Cụ thể, bà H.P (50 tuổi), giám đốc một công ty tại TP HCM, bị Cung nhiều lần đưa ra thông tin gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tiền. Năm 2015, tại chương trình "Vòng tay nhân ái" tổ chức ở TP HCM, Cung làm quen với bà P. nên mời bà về Vĩnh Long tham quan chùa Phước Quang và Trung tâm Suối nguồn tình thương.
Cung nói dối với bà P. sau khi xây chùa Phước Quang, Trung tâm Cô nhi viện thì Cung còn thiếu nợ 6,5 tỉ đồng vì trước đây các Phật tử hứa giúp cho tiền xây dựng nhưng cuối cùng không có. Tin thật, bà P. cho Cung mượn 700 triệu đồng.
Sau đó, Cung nhờ một số người bốc vác tại cửa khẩu Lạng Sơn đóng giả bọn bắt cóc, sử dụng sim số điện thoại Trung Quốc để gọi cho bà P., dọa nạt lớn tiếng yêu cầu trong một tuần phải chuyển tiền, nếu không Cung không được trở về Việt Nam. Bà P. yêu cầu được nói chuyện với Cung thì bọn chúng đưa điện thoại cho Cung.
Phạm Văn Cung tại phiên tòa xét xử ngày 14-4
Cung giả nói với giọng rất hoảng hốt, run sợ để bà P. tin việc bắt cóc là thật nên bà P. tin và chuyển hơn 5,7 tỉ đồng cho bọn bắt cóc để cứu Cung. Khi nhận được tiền của bà P., Cung chi cho những người đóng giả bọn bắt cóc 5 triệu đồng.
Để tiếp tục lấy tiền của bà P., Cung dùng sim số điện thoại của Trung Quốc nhắn tin cho bà P., nội dung là Cung nợ 7 tỉ đồng và đã bỏ trốn sang Trung Quốc, không dám về Việt Nam. Bà P. tin là thật nên chuyển thêm hơn 7 tỉ đồng để giúp Cung. Liên tục sau đó, Cung nối dối rằng mình bị bệnh và còn thiếu nợ 4,5 tỉ đồng…
Tổng cộng số tiền mà Cung chiếm đoạt của P. là gần 18,6 tỉ đồng, Cung đã trả lại bà P. gần 7 tỉ đồng. Như vậy, số tiền mà Cung chiếm đoạt của bà P. là hơn 11,6 tỉ đồng.
Theo bà P., khi bị lừa số tiền lớn thì bà đã rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Nhà bị ngân hàng phát mãi, bà P. từng có suy nghĩ muốn tìm đến cái chết. "Tôi có tấm lòng thiện nguyện, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn nhưng không ngờ bị lừa đảo" - người phụ nữ này nói tại toà.
Quá trình xét xử, bị cáo Cung còn thừa nhận việc làm quen với nhiều phụ nữ nhằm có tiền tiêu xài cá nhân. Để các bị hại chuyển tiền thì bị cáo dựng chuyện bị bắt cóc, tự tử…
Ngoài ra, bị cáo này còn thừa nhận danh sách tại Trung tâm Cô nhi viện Suối nguồn tình thương là hơn 100 trẻ cơ nhỡ nhưng chỉ nuôi thực tế hơn 50 em. Mỗi lần có đoàn từ thiện đến thăm, Cung cho trẻ em nghèo bên ngoài vào, mặc đồng phục trung tâm để các nhà hảo tâm thương cảm, cho tiền...
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, từ ngày 13 đến ngày 14-4, HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Vĩnh Long đã tuyên phạt Phạm Văn Cung tù chung thân, Nguyễn Tuấn Sĩ (54 tuổi; chạy xe ôm, ngụ TP Vĩnh Long) 3 năm tù, cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Tại toà, bị cáo Cung khai nhận trước khi là tu sĩ vào năm 2005, Cung đã thiếu nợ nhiều người. Sau đó, khi giữ chức vụ là trụ trì chùa Phước Quang và Giám đốc Trung tâm Suối nguồn tình thương (nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi), Cung dựng chuyện không có thật như bị bắt cóc, sửa chữa chùa, làm đường, làm từ thiện… để lừa đảo 4 người phụ nữ với tổng số tiền hơn 67,7 tỉ đồng.
Cung cùng với Lê Nguyên Khoa (hiện đang bị truy nã) lôi kéo Sĩ giúp sức. Sau khi lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên, Cung dùng để trả nợ và tiêu xài cá nhân. Nói lời sau cùng, Cung xin nhận mức án tử hình nhưng HĐXX đã tuyên phạt như trên.
Theo HĐXX, trong số 67,7 tỉ đồng bị cáo Cung đã chiếm đoạt, một bị hại tự nguyện hiến 3 tỉ đồng nhằm vào mục đích làm từ thiện, sửa chữa đường nông thôn ở Vĩnh Long. Trừ các khoản tiền đã khắc phục và số tiền 3 tỉ đồng nêu trên, bị cáo Cung có trách nhiệm trả lại cho 4 bị hại hơn 60 tỉ đồng. Cơ quan tố tụng đã kê biên một số tài sản của bị cáo Cung để khắc phục hậu quả.