TV SHOW

Vì sao show hẹn hò luôn được quay trên đảo vắng

Các chương trình truyền hình thực tế đều sử dụng môi trường cô lập để đẩy tương tác, mâu thuẫn giữa người chơi lên đỉnh điểm và thu hút khán giả.

Love Island, game show hẹn hò của Anh, trở lại vào mùa hè này với những chiêu trò tại biệt thự ở Mallorca (Tây Ban Nha). Theo The Guardian, các chương trình truyền hình thực tế thuộc thể loại này thường gắn với những hòn đảo.

Tháng này, phần 2 của FBoy Island, yêu cầu người chơi nữ lựa chọn giữa nhóm đàn ông tự mô tả mình là “trai tốt” hoặc “trai đểu”, sẽ được công chiếu. Too Hot to Handle, show hẹn hò đưa 10 người độc thân nóng bỏng đến thiên đường nhiệt đới và cấm họ hôn hoặc chạm vào nhau, đã ra mắt mùa 3 hồi tháng 1.

Ex on the Beach, nơi tái hợp các thí sinh bốc lửa từ những chương trình thực tế của Anh với tình cũ của họ, quay 12 mùa trên các hòn đảo bao gồm Crete, Koh Samui, Bali và Gran Canaria.

Không chỉ show hẹn hò, The Island With Bear Grylls chứng kiến ​​nhiều nhóm khác nhau chiến đấu để sinh tồn trong môi trường nhiệt đới khắc nghiệt. Naked and Afraid, thành công bất ngờ tại Mỹ với 2 người chơi gặp nhau lần đầu trong tình trạng khỏa thân và phải sống sót ở nơi hoang dã trong 21 ngày, quay 14 mùa ở Fiji, Dominica, Trinidad và Tobago.

Năm ngoái, Real Housewives ra mắt mùa “all stars” đầu tiên, đưa người chơi đi nghỉ dưỡng cùng nhau ở quần đảo Turks và Caicos thuộc Lucayan Archipelago.

Show hẹn hò đình đám Love Island của Anh luôn được quay trên đảo. Ảnh: Getty.

Ám ảnh về sự cô lập

Mối quan tâm của show thực tế với các hòn đảo trải dài từ nguồn gốc của thể loại này.

Năm 2000, Survivor là chương trình truyền hình thực tế đầu tiên của Mỹ có rating cao ngất ngưởng. Nó dõi 2 theo “bộ tộc” người Mỹ ở đảo Borneo thuộc Đông Nam Á với 51 triệu khán giả theo dõi phần cuối đầy kịch tính.

Ngày nay, một số chương trình được quay trên đảo nổi tiếng nhất, như Temptation Island và Love Island, là sự hồi sinh từ những năm đầu của truyền hình thực tế (2001-2005).

Điều tương tự cũng xảy ra với Shipwrecked - chương trình được khởi động lại vào năm 2019 nhưng ra mắt trước đó hơn 2 thập kỷ. Năm 2008, “nỗi ám ảnh” của truyền hình thực tế được thể hiện qua tập quay trên đảo Milf của sitcom 30 Rock của Mỹ, xoay quanh “25 bà mẹ siêu nóng bỏng, 50 cậu con trai lớp 8, không có quy tắc”.

June Deery, tác giả của cuốn sách Reality TV (2015) và là giáo sư tại Học viện Bách khoa Rensselaer ở Mỹ, cho rằng kiểu xây dựng không khí biệt lập này là “cố hữu” đối với show thực tế.

“Cho dù là địa điểm địa lý hay môi trường do xã hội tạo ra, hòn đảo cho phép kiểm soát các điều kiện và là hình thức sáng tạo tường thuật. Do đó, nó thu hút các nhà sản xuất truyền hình thực tế”, bà nói.

Sự cô lập là yếu tố quan trọng nhất đối với các show hẹn hò thực tế như Too Hot to Handle. Ảnh Eonline.

Brian Moylan, tác giả và nhà bình luận cho show thực tế, đồng ý rằng sự cô lập là yếu tố quan trọng nhất.

“Điều cốt lõi là tạo ra ‘vũ trụ’ riêng, nơi bất cứ điều gì có thể xảy ra. Hay chính xác hơn là tập hợp những điều mà nhà sản xuất muốn diễn ra”, ông nói.

Ngay cả khi các thí sinh không ở trên hòn đảo thật sự, họ thường ở trên hòn đảo theo nghĩa bóng. Như ở Love Island, khán giả hiếm khi nhìn thấy cảnh tượng bên ngoài khu biệt thự Mallorcan. Đó là môi trường “đảo trong đảo”. Giữa đại dịch, các tập của Love Island Mỹ được quay trên tầng cao nhất của khách sạn tại Las Vegas.

Dù là thật hay nhân tạo, những hòn đảo này lý tưởng để tạo ra xung đột. “Ném” người chơi vào môi trường nhiều cám dỗ (Too Hot to Handle), rượu (Ex on the Beach) hoặc kiệt sức (The Island With Bear Grylls) là hình thành công thức cho show thực tế.

Khán giả thấy điều này hàng năm trên Love Island, nơi nhiều người càu nhàu rằng chương trình quá nhàm chán, sau đó kêu ca dữ dội hơn khi các nhà sản xuất can thiệp để thêm gia vị cho mọi thứ. Nó cũng xuất hiện trong Real Housewives - khi dàn diễn viên nữ giàu có tham gia chuyến du lịch đến những địa điểm kỳ lạ.

Nỗi ám ảnh về các hòn đảo cũng thấy ở những show sinh tồn như The Island With Bear Grylls. Ảnh: The Guardian.

Loại bỏ người chơi khỏi môi trường xung quanh cùng hệ thống hỗ trợ thông thường và ghi hình họ suốt ngày đêm ở các địa điểm như St Barts ở Caribe (hiện có biệt danh là “ hòn đảo đáng sợ”) đã châm ngòi cho các show thực tế gay cấn nhất trong những năm qua.

“Nếu gặp vấn đề với ai đó ở một nơi như thế này, bạn phải đối đầu với họ. Không có lối thoát khỏi hòn đảo”, Moylan nói.

Ngày càng kịch bản hóa

Không phải ngẫu nhiên mà show thực tế lại mê mẩn những hòn đảo với bối cảnh xa xôi, nguyên sơ vào thời điểm thế giới ngày càng trở nên số hóa và siêu kết nối.

Rất nhiều chương trình giống như thử nghiệm xã hội, đặt ra câu hỏi liệu mọi người có thể tìm thấy tình yêu, hoặc sinh tồn, mà không có phiền nhiễu và tiện nghi của cuộc sống hiện đại hay không. Chúng cho phép khán giả tưởng tượng về cách họ sẽ đối phó trong những tình huống này.

Nhà báo Anna Peele, gần đây đã mổ xẻ sự nổi lên của Love Island cho Vanity Fair, nói rằng công nghệ đang thay đổi ý tưởng về những trải nghiệm mang cảm giác nguyên sơ hoặc mãnh liệt.

Các chương trình sinh tồn khiến người chơi tự kiếm thức ăn và xây dựng nơi trú ẩn của riêng mình, trong khi show hẹn hò xoay quanh tình dục: hành động nguyên thủy nhất.

Các tình tiết được dàn dựng là điều thường thấy ở show truyền hình thực tế ngày nay. Ảnh: Cosmopolitan.

Nhiều người tò mò rằng truyền hình thực tế, thể loại mới hơn và khả năng dường như vô hạn, lại được kết hợp với bối cảnh đã được khám phá rộng rãi ở những thể loại khác. Từ Lost cho đến Cast Away, Robinson Crusoe, Treasure Island hay Lord of the Flies, thậm chí cả Desert Island Discs, hầu như không có định dạng nào mà sự cô lập trên đảo không phải là mô típ phổ biến.

Trong những năm đầu của thể loại truyền hình thực tế, các nhà sản xuất sẽ chọn bối cảnh quen thuộc, theo Moylan. Nhưng hai thập kỷ kể từ Survivor và sự khởi đầu của kỷ nguyên show thực tế, việc tiếp tục phụ thuộc vào các chương trình quay trên hòn đảo giống như dấu hiệu của sự trì trệ hoặc ý tưởng mới vẫn còn nghèo nàn.

Sự bão hòa cũng có thể báo hiệu truyền hình thực tế ngày càng giống với phim, sách ở chỗ có kịch bản. Cũng như các phương tiện truyền thống, biên tập và xây dựng cốt truyện luôn là một phần của các show thực tế. Nhưng người xem giờ đây hiểu rõ hơn về cách các diễn biến được sắp đặt trước và nhà sản xuất cũng thường công khai hơn về điều đó.

Love Island giống như câu chuyện với các tuyến nhân vật phản diện, anh hùng và phản anh hùng được chỉnh sửa để va chạm thường xuyên.

“Bối cảnh biệt lập thể hiện quyền lực của nhà sản xuất đối với những người tham gia vì mục đích giải trí. Điều đó cho phép họ trở nên giống như tác giả toàn năng của tiểu thuyết và lôi kéo mọi người vào thế giới của riêng họ”, Deery nó.

Các nhà sản xuất show truyền hình thực tế trở thành tác giả, biên kịch... báo hiệu sự chuyển dịch khỏi “tính xác thực” như là yếu tố có giá trị nhất của thể loại này.

“Hòn đảo có sự kết hợp tốt nhất giữa chủ nghĩa kỳ lạ và tính thực tế”, Peele nói.

Cho dù ở trên hòn đảo thực tế hay theo nghĩa bóng, sự cô lập đã trở thành phần không thể thiếu đối với vị thế của truyền hình thực tế như một hiện tượng văn hóa.

Việc định hình trải nghiệm của thí sinh thông qua hoàn cảnh được kiểm soát, điều mà Deery gọi là “thực tế được dàn dựng”, vừa là nguồn gốc vừa là bản chất của thể loại này. Vì vậy, đừng trông đợi show thực tế sẽ sớm từ bỏ mô típ hòn đảo.