KHỎE ĐẸP

Sống một mình tăng nguy cơ mất trí nhớ

Sống đơn độc, thiếu kết nối với người khác từ khi còn trẻ làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ, mất trí nhớ khi về già.

Sống độc thân hay thu mình lại, ít giao tiếp, kết nối với những người xung quanh có thể dẫn đến những hệ lụy về tâm thần kinh, trí não, nhất là suy giảm trí nhớ. Theo nghiên cứu của Đại học Bang Florida (Mỹ) trên 12.030 người trong vòng 10 năm cho thấy, sống cô đơn có liên quan đến việc tăng 40% nguy cơ sa sút trí tuệ.

Nghiên cứu công bố trên tạp chí Thần kinh học của Mỹ (Neurology) gần đây cũng chỉ ra, nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ tăng gấp 3 lần ở 2.300 người Mỹ dưới 80 tuổi sống một mình tham gia nghiên cứu.

Giả thuyết đưa ra là, sự cô đơn kích hoạt phản ứng căng thẳng sinh học theo chiều hướng mạn tính, từ đó gia tăng tích tụ protein Beta-Amyloid và protein Tau trong não. Khi hai loại protein này phát triển bất thường sẽ dẫn đến hiện tượng chết tế bào thần kinh (neurons), thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh và mất các khớp thần kinh. Chúng cản trở quá trình vận chuyển dinh dưỡng đến các neurons, làm giảm khả năng dẫn truyền tín hiệu ở não. Những tác động này là yếu tố góp phần gây ra các triệu chứng của sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer.

Sống đơn độc lâu ngày làm tăng nguy cơ giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ khi về già. Ảnh: Shutterstock

Phản ứng căng thẳng khi sống cô đơn cũng khiến gốc tự do tăng sinh quá mức trong cơ thể. Theo PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, gốc tự do làm xơ hóa các bao myelin và các đầu sợi trục tế bào thần kinh, khiến liên kết giữa các tế bào thần kinh giảm cả về số lượng lẫn chất lượng, gây rối loạn chức năng não, dẫn đến suy giảm trí nhớ và giảm mức độ nhận thức.

Bác sĩ Liệu chia sẻ thêm, nhiều người sống một mình thường có thói quen ăn uống không điều độ, thức khuya, sử dụng thiết bị điện tử nhiều... Những thói quen này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe não bộ, làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ và nhiều vấn đề thần kinh phổ biến khác như mất ngủ, đau đầu, chóng mặt...

Tăng kết nối có lợi cho trí não

Để giảm thiểu ảnh hưởng đến trí não và trí nhớ, theo các chuyên gia, bạn cần hạn chế các cảm xúc tiêu cực như buồn bã, lo lắng do thiếu kết nối với người khác. Duy trì các mối quan hệ chất lượng (như với người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp thân thiết...), giảm thiểu các cảm xúc tiêu cực góp phần bảo vệ sức khỏe não bộ, hạn chế suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ theo thời gian.

Người độc thân nên tích cực tham gia các hoạt động hội, nhóm, như làm tình nguyện viên, từ thiện, câu lạc bộ sách, câu lạc bộ khiêu vũ... Những hoạt động vui vẻ, ý nghĩa sẽ kích thích cơ thể giải phóng các hormone có lợi, giúp thư thái và giảm bớt sự cô đơn. Cùng với hoạt động tập thể kết nối với người khác, bạn cũng cần chú trọng vào các hoạt động cá nhân, chẳng hạn như đọc sách, viết sách, nuôi thú cưng, trồng cây cảnh, đăng ký lớp học ngoại ngữ, vẽ tranh, du lịch... Trải nghiệm và khám phá các hoạt động mới mẻ là liều thuốc tự nhiên có lợi cho trí não và xua tan nỗi cô đơn.

Bác sĩ Liệu cho biết thêm, bên cạnh đi khám chuyên khoa tâm thần kinh, những người hay căng thẳng, rối loạn lo âu cần chú trọng chăm sóc bản thân. Thực hiện lối sống khoa học gồm tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc và ăn uống hợp lý, kết hợp bổ sung các dưỡng chất tự nhiên như từ quả việt quất (blueberry) và ginkgo biloba góp phần điều hòa gốc tự do, hỗ trợ thúc đẩy máu và dưỡng chất lên não, tăng khả năng dẫn truyền thần kinh... Đây là cách góp phần kiểm soát căng thẳng, nhờ đó cải thiện sức khỏe não bộ.