Theo CNBC, tỷ phú Jack Dorsey - đồng sáng lập Twitter - cảnh báo rằng lạm phát tại Mỹ sẽ leo thang. "Siêu lạm phát có thể thay đổi mọi thứ. Nó đang diễn ra", ông đăng tweet.
Lạm phát giá tiêu dùng tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong gần 30 năm. Ngày càng nhiều người lo ngại rằng tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn những gì các nhà hoạch định chính sách dự báo.
Ông Dorsey cũng cho rằng tình trạng lạm phát đang leo thang trên toàn cầu. "Nó sẽ sớm xảy ra ở Mỹ và trên thế giới", CEO của Twitter và nền tảng xử lý thẻ ghi nợ và tín dụng Square bình luận.
Tỷ phú Jack Dorsey - đồng sáng lập Twitter - cảnh báo về nguy cơ xảy ra siêu lạm phát trên toàn cầu. Ảnh: AFP. |
Nguy cơ lớn
Đáng nói, vị tỷ phú đã sử dụng từ "siêu lạm phát". Đó là tình trạng giá cả tăng nhanh, có thể hủy hoại tiền tệ và làm suy giảm toàn bộ nền kinh tế.
Nhà đầu tư tỷ phú Paul Tudor Jones cũng dự báo về thời kỳ lạm phát gia tăng. Nói với CNBC, ông Jones cho biết đang sở hữu Bitcoin và coi nó như một biện pháp phòng ngừa rủi ro lạm phát.
"Rõ ràng là tiền mã hóa đã giành được chỗ đứng. Ở thời điểm hiện tại, tiền mã hóa chiến thắng trong cuộc đua với vàng", ông nói thêm.
Ông Dorsey cũng là một người ủng hộ Bitcoin. Ông cho biết nền tảng Square đang cân nhắc khai thác tiền mã hóa.
"Giá Bitcoin tăng mạnh khi ngày càng nhiều người chấp nhận tiền mã hóa. Một số nhà đầu tư coi đây là 'hàng rào' chống lại rủi ro lạm phát", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) bình luận với Zing.
Theo CoinMarketCap, hôm 25/10, Bitcoin được giao dịch quanh mức 62.700 USD/đồng, tăng 3,6% so với một ngày trước đó. Giá trị vốn hóa thị trường của đồng tiền đạt 1.184 tỷ USD.
Siêu lạm phát có thể thay đổi mọi thứ. Nó đang diễn ra
Đồng sáng lập kiêm CEO Twitter Jack Dorsey
Tối 20/10, giá Bitcoin đã chính thức thiết lập kỷ lục mới 66.930 USD/đồng, phá vỡ mức đỉnh gần 65.000 USD/đồng đạt được hôm 14/4.
Những nút thắt trong chuỗi cung ứng đã thúc đẩy lạm phát lên mức kỷ lục ở Mỹ và các khu vực châu Âu, đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng. Tỷ lệ lạm phát tăng cao đã gây sức ép lên các ngân hàng trung ương. Họ đứng trước áp lực thu hẹp những chính sách kích thích kinh tế mạnh mẽ trong thời kỳ đại dịch.
Hôm 22/10, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell thừa nhận rằng áp lực lạm phát "có thể kéo dài hơn các dự báo trước đó" và leo thang trong năm tới.
Vị lãnh đạo của ngân hàng trung ương Mỹ cho rằng FED sẽ sớm cắt giảm quy mô của những gói kích thích kinh tế khổng lồ. Một số nhà phân tích khẳng định các biện pháp kích thích kinh tế là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát.
Cú sốc đình lạm
Theo Wall Street Journal, phần lớn nhà máy và hãng bán lẻ ở các nền kinh tế phương Tây đã thoát khỏi tình trạng phong tỏa. Họ gấp rút mua thành phẩm, nguyên liệu thô và linh kiện từ những nhà cung cấp châu Á và nhiều nơi khác.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia ở châu Á hiện vẫn trong tình trạng phong tỏa hoặc giãn cách xã hội để ngăn ngừa virus lây lan. Các nhà cung cấp không còn khả năng đáp ứng nhu cầu.
Tình trạng thiếu lao động trên toàn cầu cũng tạo thêm thách thức cho các nhà sản xuất. Những "nút thắt cổ chai" trong chuỗi cung ứng được dự báo sẽ hạn chế sản lượng trong năm tới, làm tổn hại nhiều lĩnh vực và thúc đẩy giá cả leo thang.
Trung tâm của tình trạng tắc nghẽn toàn cầu là Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Các tàu đến thường phải cách ly trên một tuần trước khi cập cảng. Sự gián đoạn của dịch vụ hải quan và cảng càng khiến vấn đề trở nên trầm trọng.
Càng có nhiều tàu đợi cập cảng ở Trung Quốc, phần còn lại của thế giới càng mất thêm nhiều thời gian chờ đợi. Theo dữ liệu của Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc, đầu năm nay, chi phí vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Nam Mỹ đã tăng gấp 5 lần so với mức thấp hồi năm ngoái.
Nhu cầu trên thế giới tăng cao khi các nền kinh tế phương Tây thoát khỏi tình trạng phong tỏa. Tuy nhiên, Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Á không thể đáp ứng nhu cầu. Ảnh: Reuters. |
Cùng với đó, cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc diễn ra đúng vào thời điểm hệ thống vận chuyển toàn cầu tắc nghẽn. Hàng hóa không kịp giao cho mùa cao điểm mua sắm cuối năm.
"Nếu tình trạng thiếu điện và cắt giảm sản lượng tiếp tục diễn ra, nguồn cung toàn cầu có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là khi chúng tác động tới hoạt động sản xuất các hàng hóa xuất khẩu", Bloomberg dẫn lời ông Louis Kuijs, nhà kinh tế cấp cao về châu Á tại Oxford Economics, bình luận.
Đối với người tiêu dùng toàn cầu, câu hỏi đặt ra là liệu các nhà sản xuất và bán lẻ sẽ chịu phần chi phí tăng cao, hay đẩy sang phía họ.
"Nó giống một cú sốc đình lạm (nền kinh tế đình trệ trong khi lạm phát cao) khác đối với ngành sản xuất, không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới", ông Craig Botham, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Pantheon Macroeconomics, bình luận.
"Giá sẽ tăng trên phạm vi rộng. Đó là hệ quả của việc Trung Quốc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu", ông nói thêm.