TV SHOW

Bê bối ở game show sống còn

Nhiều show sống còn Hàn Quốc bị điều tra dưới cáo buộc thao túng phiếu bầu để trục lợi cá nhân.

Ngày 29/9, Hankyung đưa tin Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc (KCSC) tiết lộ show sống còn Idol School thao túng phiếu bầu tổng cộng 233 lần xuyên suốt thời gian diễn ra chương trình.

Trước Idol School, series Produce 101 nổi tiếng của đài truyền hình Mnet cũng bị cảnh sát điều tra dưới nghi án nhà sản xuất chương trình cố tình gian lận phiếu bầu, thay đổi kết quả nhằm trục lợi cá nhân.

Trước đó, khi giới thiệu chương trình, Mnet khẳng định Idol School và Produce 101 là show thi đấu âm nhạc có kết quả được quyết định hoàn toàn bởi phiếu bầu của khán giả.

Thao túng phiếu bầu

Vào tháng 3, Ahn Joon Young - nhà sản xuất đứng sau series Produce 101 - bị kết án 2 năm tù giam và phải nộp phạt 37 triệu won (khoảng 31.226 USD).

Dựa trên bằng chứng thu thập được, cơ quan điều tra Hàn Quốc tiết lộ Ahn Joon Young nhận hối lộ từ nhiều công ty quản lý để tráo đổi thứ hạng cho các thực tập sinh.

Cụ thể, từ tháng 7/2018, những công ty này đã cung cấp dịch vụ giải trí người lớn cho Joon Young tổng cộng 40 lần, với số tiền chi trả lên tới hơn 100 triệu won (khoảng 84.395 USD).

Theo Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc, Mnet tiến hành thao túng phiếu bầu trong cả 4 mùa của series Produce 101.

Để thực hiện hành vi gian lận, họ thay đổi thứ hạng của thí sinh một cách tùy tiện trước cuộc bình chọn cuối cùng, đánh tráo kết quả xếp hạng giữa thí sinh bị loại và thí sinh có quyền đi tiếp, đồng thời đánh lừa người xem, khiến khán giả nghĩ rằng họ nắm quyền quyết định thứ hạng chung cuộc trong chương trình.

Tòa án quận trung tâm Seoul nói có tổng cộng 12 nạn nhân của PD Ahn Joon Young.

Trong đó, 6 thí sinh Kang Dong Ho, Han Cho Won, Lee Ga Eun, Goo Jung Mo, Lee Jin Hyuk và Geum Dong Hyun vốn có quyền ra mắt cùng nhóm nhạc chiến thắng, nhưng hành vi gian lận phiếu bầu của Mnet khiến họ bị loại khỏi đội hình một cách bất công.

Về sau, tại kênh Ripple S, khi nhận được câu hỏi liệu các thí sinh từng nghĩ tới chuyện chương trình bị thao túng phiếu bầu trong quá trình ghi hình không, nữ ca sĩ Go Yu Jin - thực tập sinh của Produce 101 mùa 3 - thừa nhận: "Có. Tôi thực sự cảm nhận được điều đó".

Yu Jin giải thích: "Tôi cảm nhận được vì tôi nhận ra họ (đội ngũ sản xuất của Produce 101) không hề quan tâm đến tôi. Họ chỉ quay những người họ muốn quay".

Nữ ca sĩ cho biết bản thân các thí sinh tham gia Produce 101 cũng nghĩ chương trình bị thao túng phiếu bầu. "Hầu hết thực tập sinh Hàn Quốc tham gia chương trình không có nhiều mong đợi vì điều này", Yu Jin chia sẻ.

Không lâu sau khi Produce 101 dính nghi án thao túng phiếu bầu, cơ quan cảnh sát thủ đô Seoul cũng tiến hành điều tra Idol School. Kết quả, vào tháng 6, giám đốc sản xuất Kim Tae Eun của chương trình bị tuyên án 1 năm tù dưới tội danh gây cản trở và gian lận trong kinh doanh.

Kết quả cuộc điều tra cho thấy Kim Tae Eun đã lừa 15 triệu won (khoảng 12.659 USD) của 69.000 khán giả tham gia bình chọn.

Ngày 28/9, Jeong Kyung Shik - thành viên của Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc - tiết lộ mức độ tráo đổi thứ hạng thực tập sinh trong Idol School: "Từ tập 2 đến tập 11, bảng xếp hạng bị thao túng tổng cộng 233 lần".

Theo Jeong Kyung Shik, tại vòng loại thứ 4, sau khi Kim Tae Eun tráo đổi thứ hạng của 20 thực tập sinh, 10 thí sinh vốn bị loại có cơ hội tiếp tục tham gia cuộc thi, trong khi 10 người còn lại buộc rời chương trình một cách không công bằng.

Mnet không phải đài truyền hình duy nhất vướng vào cáo buộc gian lận phiếu bầu. Mới đây, vào ngày 24/9, Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc công bố kết quả kiểm tra định kỳ đài KBS.

Theo báo cáo, vòng cuối của chương trình The Unit do KBS tổ chức vào năm 2017 đã xảy ra sai sót trong quá trình kiểm phiếu. Cụ thể, hai nhóm nhạc chiến thắng UNB và UNI.T có 3 thành viên không đủ điều kiện gia nhập nhóm.

KBS lập tức phủ nhận mọi cáo buộc gian lận phiếu bầu. Đài truyền hình khẳng định cuộc tổng đình công xảy ra vào vòng chung kết The Unit là nguyên nhân chính dẫn đến sai lệch trong kết quả thứ hạng.

"Chúng tôi không có ý định ưu tiên thí sinh này hơn thí sinh khác", KBS khẳng định. Dù vậy, nhiều khán giả vẫn tỏ ra nghi ngờ trước tính xác thực trong thông báo của KBS.

Thí sinh bị loại phải gánh chịu thiệt hại nặng nề

Theo Sports Kyunghyang, nạn nhân lớn nhất trong vụ bê bối gian lận phiếu bầu của Idol School là Lee Hae In.

Lee Hae In có kết quả bình chọn cao nhất tại đêm chung kết Idol School. Vốn dĩ, theo quy định chương trình, cô được ra mắt với vị trí center. Tuy nhiên, nhà sản xuất Idol School quyết định đánh tráo kết quả bình chọn, đẩy Hae In xuống hạng 11 vì cảm thấy cô có "hình tượng không phù hợp với nhóm". Kết quả, cô bị loại khỏi đội hình.

Trong cuộc phỏng vấn với Idol Olympics vào năm 2020, Hae In tiết lộ về khoảng thời gian khó khăn cô phải trải qua sau khi chương trình kết thúc: "Tôi không có một đồng nào cả". Nữ ca sĩ cho biết để kiếm sống qua ngày, cô buộc làm nhiều công việc khác nhau như nhân viên phục vụ, nhân viên phim trường, mẫu ảnh...

Lee Hae In sinh năm 1994. Cô bị đánh giá đã qua độ tuổi để ra mắt làm ca sĩ thần tượng và nữ ca sĩ cũng không có nhiều cơ hội để đóng phim. Sự nghiệp dang dở, hiện công chúng khó có thể bắt gặp Hae In trên sóng truyền hình. Nhiều khán giả bày tỏ sự tiếc nuối dành cho nữ ca sĩ.

Sau khi bê bối thao túng thứ hạng bị phơi bày, Mnet quyết định bồi thường cho các thí sinh và công ty quản lý bị ảnh hưởng từ hành vi gian lận của nhà sản xuất Produce 101.

Mức bồi thường được xác định dựa trên số tiền thực tập sinh dự kiến kiếm được nếu họ ra mắt trong nhóm nhạc chiến thắng. Theo Munhwa Ilbo, hiện Mnet đã hoàn thành bồi thường cho 11 trên tổng số 12 thực tập sinh.

Tuy nhiên, nhiều khán giả bức xúc với cách giải quyết "không thỏa đáng" của Mnet. Thực tế, thiệt hại mà các nạn nhân trong vụ gian lận phải gánh chịu không chỉ dừng ở tiền mặt, mà họ còn bị ảnh hưởng nhiều về tâm lý và sự nghiệp. Không ít ý kiến cho rằng Mnet cần đưa ra phương án bồi thường hợp lý hơn cho các thực tập sinh.