XÃ HỘI

Đoạn tuyệt với thẻ tín dụng, chi tiêu hợp lý nhất có thể, cặp đôi vợ giáo viên, chồng saler đã trả hết khoản nợ 52.000 USD trong vòng 18 tháng như thế nào?

Cặp đôi Deacon Hayes và Kim làm đám cưới năm 2008 và sống theo kiểu “làm ra bao nhiêu, tiêu liền bấy nhiêu” ở thành phố Phoenix, bang Arizona. Kim là giáo viên còn Deacon là nhân viên bán sàn gỗ. Deacon cho biết: “Từ các khoản nợ thẻ tín dụng, khoản vay sinh viên cho đến khoản vay mua ô tô, khi đó chúng tôi có một món nợ tiêu dùng vào khoảng 52.000 USD".

Xuất thân và trải nghiệm về tài chính của Deacon và Kim rất khác nhau. Kim sinh ra trong một gia đình giàu nhưng "chưa thực sự thu chi có kế hoạch", còn Deacon sinh ra trong một gia đình có thu nhập thấp, tiêu trước trả tiền sau bằng thẻ tín dụng đã trở thành cách sống của gia đình anh. Nhận ra rằng mình có khoản nợ khá lớn, cặp đôi quyết định đã đến lúc họ phải thay đổi một số thói quen cơ bản trong việc chi tiêu.

Deacon nói với vợ: "Chúng ta sẽ trả hết nợ trong vòng 18 tháng." Anh nhớ lại: "Cô ấy nghĩ rằng tôi bị điên." Nhưng bằng cách giải quyết từng khoản nợ theo các cách khác nhau và trả dần các khoản từ 500 đến 6.800 USD mỗi tháng, cặp đôi đã đạt được mục tiêu của mình.

Dưới đây là cách Deacon (38 tuổi) và Kim Hayes (40 tuổi) hiện đang sống ở Scottsdale, bang Arizona trả hết nợ.

Đọc và học từ những người giỏi quản lý tiền

Để làm được điều này, Deacon quyết định tìm hiểu và học mọi thứ về quản lý tài chính cá nhân thông minh. Anh cho biết: "Khi đó, chúng tôi không có cả công cụ lẫn kiến ​​thức để giải quyết vấn đề này. Chính vì vậy, tôi đã đọc rất mê say để học từ những người quản lý tiền giỏi."

Deacon rất thích cuốn "Thay đổi diện mạo tài chính" của Dave Ramsey và cuốn "Xây dựng hệ thống kiếm tiền của bạn" của Howard Dayton. Anh đọc cả những cuốn sách về đầu tư của Jim Cramer và John Bogle.

Nhờ đọc sách, anh đã tìm ra chiến thuật trả nợ. "Tôi thực sự thích dùng phương pháp quả cầu tuyết (một thuật ngữ trong cuốn sách của Ramsay) để trả nợ. Theo phương pháp này, bạn chỉ cần liệt kê các khoản nợ từ nhỏ nhất đến lớn nhất (bất kể lãi suất của các khoản đó là bao nhiêu) và thanh toán chúng theo thứ tự."

Phương pháp cặp đôi sử dụng để giải quyết được các khoản nợ.

Bán chiếc ô tô có giá trị "ngược"

Deacon đã thực hiện nhiều "nước đi" thông minh để tái cấu trúc các khoản nợ của mình. Tổng các khoản nợ thẻ tín dụng của họ có trị giá khoảng 8.000 USD với các mức lãi suất khác nhau. Deacon quyết định hợp nhất các khoản nợ này để dễ dàng giải quyết. Sau khi trả được một phần khoản nợ này, còn lại khoản nợ 7000 USD anh vay bà để trả và cam kết sẽ trả khoản vay này cho bà với lãi suất 5%

Deacon còn nhận ra rằng: "Tôi có một chiếc ô tô " ngược" với giá trị khoảng 1.000 đô la." Nghĩa là chiếc xe của hai vợ chồng anh lúc đó trị giá 16.000 USD nhưng trước đây anh chị đã vay 17.000 USD để mua nó. Nếu bán chiếc xe này, họ chỉ còn phải trả nốt số tiền 1.000 USD cho khoản vay.

Vào tháng 3 năm 2009, vợ chồng anh đã bán đi chiếc xe và sau đó bán thêm rất nhiều thứ nữa để trả nốt khoản tiền 1.000 đô la. Deacon cho biết: "Vợ tôi có một số túi sách hàng hiệu mà cô ấy cho rằng không cần thiết. Tôi thì có một chiếc Nintendo Wii cũ." Tháng đó, họ đã trả được khoản nợ trị giá 18.600 USD.

Chia tiền mặt vào các phong bì cho từng mục đích sử dụng (cash envelope system) để cắt giảm chi tiêu

Để tránh mắc thêm các khoản nợ thẻ tín dụng, cặp đôi quyết định từ bỏ hoàn toàn việc sử dụng thẻ. Thay vào đó, họ chia tiền mặt vào các phong bì cho từng mục đích sử dụng và chỉ sử dụng số tiền được phân bổ cho những hoạt động đó. Họ đặt ra giới hạn cho các khoản chi này, ví dụ giới hạn chi tiêu ở các cửa hàng tạp hóa là 250 USD/tháng và cho giải trí là 100 USD/tháng.

Để chắc chắn rằng mình luôn chi tiêu trong giới hạn, Deacon và Kim đã tận dụng các ưu đãi của các quán ăn và siêu thị địa phương. Anh nói: "Thông thường, chúng tôi sẽ ăn suất combo 20 USD cho hai người của Applebee.

Họ gọi điện đến những nhà cung cấp như công ty viễn thông, công ty cung cấp mạng để tìm các ưu đãi phù hợp. Deacon cho biết: "Bạn đột nhiên có thể tiết kiệm được 200 - 300 USD mỗi tháng chỉ nhờ một vài cuộc điện thoại.".

Đám cưới của Deacon và Kim Hayes (Ảnh: CNBC)

Giao pizza sau giờ làm việc với mức lương 15 USD/giờ

Sau nhiều tháng tìm cách hạn chế chi tiêu và tiết kiệm nhiều hơn, Deacon nhận ra rằng: "Bài toán trả nợ gồm có hai phần. Chúng tôi đã tiết kiệm tiền bằng mọi cách, nhưng một mặt nữa chúng tôi cần gia tăng thu nhập."

Deacon nói: "Tôi đã đến mọi cửa hàng bánh pizza trong bán kính năm dặm để xem họ có tuyển dụng không." Cuối cùng, Deacon đã được nhận làm ở một quán ăn địa phương tên là Long Wong’s và làm việc ở đây trong vòng sáu tháng. Anh làm ở đây từ 2 - 3 ca/ tuần, 5 - 6 giờ/ca và kiếm được 15USD cho mỗi giờ.

Công việc này đã mang thêm cho anh khoản thu nhập khoảng 1.000 USD/tháng để tiếp tục trả các khoản nợ.

Deacon và Kim Hayes cùng các con - Ben và Avery (Ảnh: CNBC)

Hiện tại, cặp đôi đã không còn nợ nần gì nữa. Giờ đây, Deacon đang là một doanh nhân điều hành ba trang web khác nhau với thu nhập sáu con số mỗi năm, còn Kim đang học để lấy bằng thạc sĩ lịch sử. Họ có hai con nhỏ. Gần đây, Deacon đã viết một bài rap về kinh nghiệm tài chính của bản thân với tựa đề "Triệu phú mỗi ngày".

Hường Hoàng

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị